Phần mềm nguồn mở là gì? Nguyên lý hoạt động và lợi ích của phần mềm nguồn mở?

Open Source Software

Phần mềm nguồn mở (Open Source Software) đang là xu hướng không thể thiếu trong thế giới công nghệ hiện đại. Với khả năng linh hoạt và tính cộng đồng mạnh mẽ, phần mềm nguồn mở không chỉ cho phép người dùng tự do truy cập, tùy chỉnh mã nguồn mà còn khuyến khích sự hợp tác, sáng tạo từ hàng triệu lập trình viên trên toàn cầu.

1. Phần mềm nguồn mở là gì?

Phần mềm nguồn mở là các phần mềm được các nhà phát triển chia sẻ mã nguồn công khai cho cộng đồng, cộng đồng có thể cùng tham gia  phát triển sản phẩm theo từng phiên bản. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập để tự do sử dụng mã nguồn hoặc tham gia đóng góp, cải tiến cả về thiết kế lẫn chức năng cho dự án. Các sản phẩm phần mềm nguồn mở không thu phí bản quyền, không bị ràng buộc bởi các điều kiện khi sử dụng.

Các sản phẩm được phát triển từ nguồn mở nổi bật hiện nay chúng ta có thể nói đến:

  • Hệ điều hành phát triển từ Linux: Fedora, Ubuntu, SuSE, OpenSolaris …
  • CMS: WordPress, Joomla, Drupal …
  • Hệ thống quản lý doanh nghiệp: Odoo, Bitrix24 …
  • Ngoài ra còn có: Mozilla Firefox, OpenOffice, Filezilla …

Câu hỏi đặt ra đó là tại sao người ta lại phát triển các phần mềm nguồn mở, để trả lời được câu hỏi đó thì chúng ta sẽ tìm hiểu những hạn chế lớn nhất của các hệ thống phần mềm đóng.

2. Những rào cản khiến người dùng khó tiếp cận các phần mềm đóng

Các công ty cung cấp các sản phẩm phần mềm đóng nổi bật nhất trên thế giới hiện nay có thể nhắc đến: Microsoft, SAP, Oracle, Adobe, Salesforce …

2.1 Chi phí bản quyền của phần mềm đóng

Như các bạn đã biết, đối với một nhà phát triển phần mềm, mục tiêu quan trọng nhất của họ đó là kinh doanh, các sản phẩm của họ sẽ được bán cho người dùng và thu về phí bản quyền hay còn gọi là phí Licence. Phí bản quyền là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp phát triển phần mềm.

Vì là một sản phẩm có tính sở hữu trí tuệ cao, nên các phần mềm đóng thường có phí bản quyền rất cao, khó tiếp cận được đến nhóm người dùng phổ thông như học sinh, sinh viên hoặc các doanh nghiệp nhỏ.

2.2 Người dùng không thể linh hoạt phát triển theo nhu cầu riêng

Một nhà phát triển phần mềm đóng, khi cung cấp sản phẩm của họ ra thị trường, họ sẽ triển khai đến người dùng dưới dạng các chức năng đã được đóng gói sẵn theo yêu cầu từ đầu của người dùng.

Nếu người dùng có nhu cầu phát triển thêm chức năng để phù hợp với nhu cầu riêng thì họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà phát triển, chứ không thể linh động tự phát triển.

Tuy nhiên như chúng ta đã biết, đối với người dùng là cá nhân hoặc doanh nghiệp, nhu cầu là rất khác nhau, nên việc không thể linh hoạt phát triển đã trở thành một rào cản lớn.

3. Nguyên lý hoạt động của mã nguồn mở

Mã nguồn mở thường được lưu trữ trên các kho công khai, cho phép mọi người truy cập, sử dụng hoặc đóng góp vào việc cải thiện cả về thiết kế và chức năng của dự án. Phần mềm mã nguồn mở (OSS) thường đi kèm với các giấy phép phân phối, xác định rõ cách các nhà phát triển có thể sử dụng, nghiên cứu, chỉnh sửa và phân phối phần mềm. Theo cơ sở dữ liệu Synopsys Black Duck® KnowledgeBase, các giấy phép phổ biến nhất bao gồm:

  • MIT License.
  • GNU General Public License (GPL) 2.0: Được coi là nghiêm ngặt hơn, yêu cầu các bản sửa đổi mã phải được công khai.
  • Apache License 2.0.
  • GNU General Public License (GPL) 3.0.
  • BSD License 2.0: Phiên bản mới hoặc đã sửa đổi với 3 điều khoản.

Khi mã nguồn được thay đổi, OSS yêu cầu thông báo về các sửa đổi và phương pháp đã sử dụng. Tùy thuộc vào điều khoản của từng giấy phép, phần mềm phát sinh từ những thay đổi này đôi khi phải được cung cấp miễn phí cho công chúng.

4. Những lợi ích khi sử dụng mã nguồn mở là gì?

4.1 Được dùng miễn phí

Bạn hoàn toàn có thể sử dụng mã nguồn mở cho mục đích cá nhân hoặc thương mại mà không cần phải trả tiền chi phí bản quyền. Do vậy, không giống như các phần mềm mã nguồn độc quyền khác bị giới hạn tính năng hay phải trả thêm phí, mã nguồn mở cho phép bạn tùy biến gần như tất cả chức năng một cách miễn phí.

4.2 Độ bảo mật cao

Mã nguồn mở mặc dù được dùng miễn phí nhưng nó lại có khả năng bảo mật tuyệt vời. Nguyên nhân là vì mã nguồn mở được xây dựng và đóng góp bởi cộng đồng người dùng đông đảo, bao gồm những nhà lập trình tài năng. Nghĩa là nếu mã nguồn mở có xảy ra bất cứ vấn đề gì thì sẽ được giải quyết nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng.

4.3 Tự do tùy chỉnh

Bạn có toàn quyền truy cập vào mã nguồn mở và quản trị, chỉnh sửa cấu trúc mã nguồn để phù hợp với nhu cầu của mình. Điều này cũng đồng thời khuyến khích các lập trình viên sử dụng mã nguồn mở để phát triển thêm nhiều phần mềm hữu ích khác.

4.4 Tính ổn định cao

Rất nhiều website sử dụng mã nguồn mở cho đến hiện tại thì vẫn duy trì được khả năng hoạt động ổn định mà không gặp bất kỳ vấn đề nào. Điều này có thể được giải thích bởi việc mã nguồn mở được xây dựng trên nguyên tắc tối ưu cho cộng đồng người dùng đều sử dụng được, dẫn đến tính ổn định trong vận hành sẽ cao hơn so với nhiều loại mã nguồn đóng.

5. Nên dùng phần mềm nguồn mở hay phần mềm nguồn đóng?

Việc lựa chọn giữa phần mềm mã nguồn mở (OSS) hay phần mềm mã nguồn đóng (Proprietary software) phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể và mục tiêu của bạn. Mỗi loại phần mềm đều có những ưu, nhược điểm riêng. Dưới đây là bảng so sánh phần mềm nguồn mở và phần mềm nguồn đóng:

Chi phí Miễn phí hoặc chi phí thấp Thường có chi phí mua bản quyền và duy trì
Truy cập mã nguồn Mã nguồn công khai, người dùng có thể chỉnh sửa và phát triển thêm Mã nguồn bị ẩn, người dùng không thể truy cập hoặc chỉnh sửa
Khả năng tùy chỉnh Tùy chỉnh không giới hạn, phù hợp theo nhu cầu Hạn chế hoặc không thể tùy chỉnh
Cộng đồng hỗ trợ Hỗ trợ từ cộng đồng lớn, phát triển dựa trên đóng góp của nhiều người Hỗ trợ từ nhà cung cấp, thường chuyên nghiệp và nhanh chóng
Tính bảo mật Minh bạch, dễ phát hiện và sửa lỗi nhờ nhiều người kiểm tra Thường bảo mật cao, nhưng người dùng phải tin tưởng nhà cung cấp về độ an toàn của phần mềm
Tốc độ cập nhật và sửa lỗi Nhanh chóng, do cộng đồng liên tục đóng góp và cập nhật Phụ thuộc vào lịch trình phát triển của nhà cung cấp
Sự ổn định Có thể không ổn định do phụ thuộc vào cộng đồng phát triển Thường ổn định hơn, được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi phát hành
Hỗ trợ kỹ thuật Không chính thức, chủ yếu từ diễn đàn hoặc cộng đồng Hỗ trợ chính thức từ nhà cung cấp, thường có dịch vụ hỗ trợ 24/7
Quyền sử dụng Tự do sử dụng, phân phối và phát triển phần mềm mới Hạn chế theo giấy phép, không thể phân phối hoặc sao chép
Phù hợp với đối tượng Thích hợp cho những người có kỹ năng lập trình hoặc tổ chức muốn kiểm soát toàn bộ hệ thống Thích hợp cho doanh nghiệp hoặc người dùng phổ thông cần sự ổn định và hỗ trợ chuyên nghiệp

Như vậy, nếu bạn cần linh hoạt, tự do sáng tạo và có đội ngũ kỹ thuật mạnh, phần mềm mã nguồn mở là lựa chọn tốt. Ngược lại, nếu bạn cần sự ổn định, dễ sử dụng và hỗ trợ chuyên nghiệp từ nhà cung cấp, phần mềm mã nguồn đóng có thể phù hợp hơn.

Để lại một bình luận